pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm gì khi bị say cà phê? Say cà phê có nguy hiểm không?
Người nhạy cảm với caffeine hoặc lạm dụng uống quá nhiều cà phê hay uống vào thời điểm không phù hợp thường gặp phải các tác dụng nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng khi uống cà phê và được gọi chung là say cà phê với những biểu hiện như đau đầu, tiêu chảy, bồn chồn, chóng mặt hoặc khó ngủ, thậm chí là nôn mửa hoặc mất ngủ.
Nhạy cảm với caffeine khác với tình trạng dị ứng caffeine (một vấn đề xảy ra do phản ứng miễn dịch cụ thể với tác nhân là caffeine) nhưng cả hai đều có chung triệu chứng.
1. Các mức độ nhạy cảm với caffeine
Để hiểu say cà phê là gì, bạn cần biết mỗi một người khác nhau sẽ có cách phản ứng khác nhau khi tiêu thụ caffeine do mức độ dung nạp khác nhau. Trong khi một người có thể uống thoải mái 3 - 4 cốc cà phê mỗi ngày thì có những người không thể uống dù chỉ một ngụm nhỏ.
Mặc dù không có xét nghiệm cụ thể nào giúp đo độ nhạy cảm với caffeine nhưng có thể phân ra ba mức độ cơ bản dựa trên cách mà cơ thể bạn chuyển hóa caffeine tiêu thụ, cụ thể như sau:
- Nhạy cảm mức bình thường
Hầu hết mọi người đều có thể thuộc nhóm nhạy cảm với caffeine ở mức bình thường. Có nghĩa là bạn có thể tiêu thụ khoảng 200 - 400 miligam (mg) caffeine mà không gặp phải các tác dụng phụ tiêu cực, trừ khi tiêu thụ ở mức nhiều hơn. 400 mg caffeine mỗi ngày cũng là lượng caffeine giới hạn theo FDA với người lớn khỏe mạnh.
- Độ nhạy cảm thấp
Nhiều người có độ nhạy cảm với caffeine ở mức thấp, có nghĩa là họ có thể tiêu thụ caffeine ở mức cao hơn (500 mg hoặc hơn) mà không gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn và thậm chí là nhóm này có thể uống caffeine trước khi đi ngủ mà không bị gián đoạn giấc ngủ. Tuy nhiên thì nhóm này có thể rơi vào tình trạng nghiện caffeine và gặp khó khăn trong việc tỉnh táo hay tập trung nếu uống không đủ caffeine.
Đối với nhóm độ nhạy cảm thấp, cơ thể chuyển hóa caffeine một cách nhanh chóng. Theo Very Well Health, một nghiên cứu ước tính rằng có khoảng 10% dân số mang gen liên quan tới độ nhạy cảm với caffeine thấp.
- Độ nhạy cảm cao (quá mẫn)
Những người có độ nhạy cảm với caffeine cao hay còn gọi là phản ứng quá mẫn khi tiêu thụ caffeine xảy ra do khả năng chuyển hóa caffeine chậm hơn và có nguy cơ gặp phải các tác dụng (phản ứng) dữ dội chỉ với một lượng nhỏ caffeine (dưới 100 mg), thời gian caffeine tồn tại trong máu của họ có thể kéo dài gấp 2 lần so với người bình thường. Các triệu chứng phổ biến thường là:
+ Mất ngủ
+ Tim đập nhanh
+ Bồn chồn
+ Đau đầu
+ Buồn nôn
+ Tiêu chảy
+ Khó ngủ.
2. Phân biệt nhạy cảm với caffeine và dị ứng với caffeine
Như đã nói ở trên, triệu chứng của hai tình trạng nhạy cảm và dị ứng với caffeine có một số điểm tương đồng và dễ nhầm lẫn. Dưới đây là một số đặc trưng có thể giúp bạn phân biệt hai tình trạng này:
Nhạy cảm với caffeine | Dị ứng với caffeine |
---|---|
Phản ứng miễn dịch bất thường không liên quan đến kháng thể IgE (immunoglobulin E) | Phản ứng miễn dịch bất thường liên quan đến kháng thể IgE. Một số tế bào bạch cầu vỡ ra và giải phóng histamine vào máu gây ra phản ứng viêm và các triệu chứng dị ứng |
Được đặc trưng bởi phản ứng quá mức đối với tác dụng của caffeine bao gồm bồn chồn, run rẩy, tim đập nhanh, nhức đầu, mất ngủ, mệt mỏi, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, lo lắng, tiểu nhiều | Được đặc trưng bởi các triệu chứng chung với tất cả các dị ứng thực phẩm bao gồm ngứa, nghẹt mũi, phù nề miệng hoặc mặt, phát ban, nổi mề đay trên da |
Các triệu chứng hiếm khi nghiêm trọng | Các triệu chứng có thể nghiêm trọng và, trong trường hợp hiếm gặp, có thể đe dọa tính mạng |
Chẩn đoán bằng cách loại trừ các nguyên nhân khả dĩ khác | Chẩn đoán bằng các xét nghiệm dị ứng |
Được điều trị bằng cách tránh tiêu thụ caffeine | Được điều trị bằng cách tránh caffeine cùng với thuốc chống histamine |
3. Nguyên nhân nhạy cảm với caffeine
Có nhiều yếu tố có thể khiến bạn dễ say cà phê hơn, nhạy cảm với caffeine hơn nhóm khác, bao gồm giới tính, tuổi tác và cân nặng. Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Chuyển hóa gan
Caffeine được chuyển hóa (phân hủy) ở gan nhờ một loại enzyme (protein) có tên là CYP1A2. Gen liên quan đến enzyme này giúp xác định trước mức độ nhạy cảm của một người với việc tiêu thụ caffeine. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có độ nhạy cảm với caffeine cao không sản xuất nhiều CYP1A2.
- Thuốc
Một số loại thuốc và thảo dược bổ sung có thể khiến tác dụng của caffeine tới cơ thể tăng lên, bao gồm thuốc theophylline (thuốc điều trị hen suyễn) và các chất bổ sung thảo dược chứa ephedrine và echinacea.
- Di truyền
Theo Healthline, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cấu trúc gen di truyền của một người có liên quan nhiều tới cách mà họ phản ứng với caffeine. Ngoài gen CYP1A2 ảnh hưởng đến tốc độ gan phân hủy caffeine, một gen khác có tên ADORA2A tác động đến cách hệ thần kinh trung ương (giao tiếp giữa não và cơ thể) phản ứng với tác dụng kích thích của caffeine. Những người có biến thể gen ADORA2A có khả năng nhạy cảm cao với caffeine, chất này cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ.
- Các yếu tố nguy cơ
Độ nhạy cảm với caffeine cũng thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào thể trạng của từng người nhưng nhìn chung có một số yếu tố nguy cơ có thể khiến một người dễ nhạy cảm hơn với caffeine, bao gồm: tuổi tác lớn hơn, nữ giới, có các tình trạng sức khỏe mãn tính, có thói quen hút thuốc, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và đang sử dụng thuốc tránh thai đường uống.
4. Làm gì khi bị say cà phê?
Cảm giác say cà phê thực sự không dễ chịu và bạn luôn muốn tìm cách thoát khỏi tình trạng này càng sớm càng tốt. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giảm cảm giác khó chịu do say cà phê mang lại
- Uống nhiều nước
Việc uống nhiều nước hơn giúp thúc đẩy đào thải caffeine ra ngoài nhanh hơn qua đường nước tiểu, đồng thời uống nhiều nước cũng giúp chống mất nước - một tác dụng "lợi tiểu" khác khi uống cà phê. Uống nhiều nước hơn cũng giúp cho triệu chứng mệt mỏi và khó chịu giảm nhẹ trong 1 - 2 giờ sau đó.
Lượng nước nên uống là từ 500 ml tới 1 lít nước tùy vào khả năng sau khi phát hiện bị say cà phê.
- Nghỉ ngơi
Khi bị say cà phê, tốt nhất là bạn nên nghỉ ngơi tại chỗ để tránh những tai nạn không mong muốn do các triệu chứng say cà phê gây ra, chẳng hạn như chóng mặt, hoa mắt hoặc đau đầu. Nghỉ ngơi đúng cách cũng giúp nhịp tim có thời gian ổn định lại.
- Tinh bột
Ăn thêm tinh bột là một trong những cách giúp giảm say cà phê ở mức độ nhẹ. Các thực phẩm giàu tinh bột có thể kể đến như bánh mì, cơm, các loại ngũ cốc hay bánh quy. Nhiều người đã cho biết cảm giác cồn cào dạ dày hay đau nửa đầu do say cà phê được giảm nhẹ sau khi ăn các thực phẩm chứa tinh bột.
- Hít thở sâu
Sự căng thẳng có thể tăng lên, bao gồm cả cảm giác bồn chồn nếu bạn bị say cà phê. Lúc này liệu pháp hít thở sâu có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng này. Hãy bắt đầu bằng việc hít vào bằng mũi khoảng 4 giây và giữ hơi trong lồng ngực khoảng 7 giây tiếp theo. Sau đó hãy thở ra từ từ bằng miệng rồi kéo dài hơi trong 8 giây. Lặp đi lặp lại bài hít thở sâu này để giảm cảm giác căng thẳng hay tim đập nhanh khi say cà phê.
- Vận động nhẹ nhàng
Nếu trạng thái cơ thể cho phép, hãy thử vận động nhẹ nhàng để giúp cơ thể "tiêu hao" bớt năng lượng mà caffeine mang lại, điều này cũng góp phần tăng tốc độ trao đổi chất cũng như hỗ trợ loại bỏ caffeine nhanh hơn.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ giảm say cà phê kể trên thì bạn cũng nên ăn các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như vitamin C, kẽm, magie (chuối, nước cam,..) để hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, tuyệt đối không uống trà để giảm say cà phê vì trà có thể chứa caffeine và khiến tình trạng say cà phê trầm trọng hơn.
Tóm lại, về nguyên tắc vẫn là nếu bạn là người nhạy cảm với caffeine thì tốt nhất hãy tránh tiêu thụ các thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine và với người có mức nhạy cảm bình thường, hãy giới hạn lượng caffeine tiêu thụ không quá 400 mg mỗi ngày cũng như không uống vào các thời điểm trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, các lựa chọn ít caffeine hơn dựa vào các loại hạt cà phê như arabica hay uống loãng hơn (cà phê Americano) cũng giúp giảm lượng caffeine nạp vào nếu bạn vẫn muốn uống cà phê khi bị nhạy cảm với caffeine.